QUẢNG CÁO NHƯ THẾ NÀO ĐỂ KHÔNG VI PHẠM PHÁP LUẬT?
Có nhiều phương thức để đưa thực phẩm chức năng đến với người tiêu dùng nhanh hơn, trong đó có QUẢNG CÁO. Tuy nhiên để thực hiện phương thức này thì ít doanh nghiệp biết trước khi thực hiện quảng cáo thì phải “xin phép” cơ quan có thẩm quyền
1. 1. Xin giấy phép gì?:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định 181/2013/NĐ-CP thì: Việc quảng cáo thực phẩm chức năng chỉ được thực hiện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo.
Điều này có nghĩa là mọi nội dung quảng cáo trong kịch bản quảng cáo trước khi đưa ra công chúng thìdoanh nghiệp cần phải xin xác nhận nội dung quảng cáo.
* Nội dung quảng cáo:
Theo quy đinh tại Điều 5 Nghị định 181/2013/NĐ-CP, Điều 7 Thông tư 09/2015/TT-BYT thì: Nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng cần đảm bảo các điều kiện sau thì mới được xác nhận:
– Phải phù hợp với Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Đối với các nội dung ngoài nội dung đã công bố thì phải có tài liệu hợp pháp, tài liệu khoa học chứng minh và trích dẫn rõ nguồn tài liệu tham khảo trong Maquette, kịch bản quảng cáo; đối với sản phẩm có cách sử dụng, cách bảo quản đặc biệt phải được nêu cụ thể trong quảng cáo. Đối với quảng cáo trên pano, bảng, biển, kệ giá kê hàng, chạy chữ dưới chân các chương trình truyền hình, trên các vật dụng khác, vật thể trên không, dưới nước, vật thể di động không bắt buộc phải chứa đầy đủ các nội dung thông tin về tác dụng, cách dùng, bảo quản nhưng phải bảo đảm phù hợp với nội dung đã công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.
– Phải có các nội dung sau đây:
a) Tên thực phẩm;
b) Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.
c) Tác dụng chính và các tác dụng phụ (nếu có);
d) Khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
– Không được phép quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
– Quảng cáo thực phẩm chức năng trên báo nói, báo hình phải đọc rõ ràng: Tên thực phẩm và nội dung khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
– Không được quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bài viết của bác sỹ, dược sỹ hay nhân viên y tế, có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.
– Không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín của những đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh với mục đích quảng cáo thực phẩm.
2.“Xin phép” tại cơ quan nào?:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Thông tư 09/2015/TT-BYT thì: Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế là cơ quan cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng.
3. Hậu quả pháp lý nếu không “xin phép”:
Theo quy định tại Điều 67 Nghị định 158/2013/NĐ-CP thì: nếu doanh nghiệp thực hiện quảng cáo thực phẩm chức năng mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn bị buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.