ĐIỀU KIỆN CHI NHÁNH ĐỨNG TÊN TRÊN TỜ KHAI XUẤT NHẬP KHẨU

Câu hỏi: 23627:

Khách hàng của công ty chúng tôi là doanh nghiệp FDI vốn 100% Nhật bản, công ty thương mại. Hiện khách hàng này của chúng tôi có trụ sở ở Hcm và chi nhánh ở Hà Nội. Trong thời gian tới, khách hàng của công ty chúng tôi muốn chi nhánh được phép đứng tên trên tờ khai xuất nhập khẩu hàng hoá. Vậy kính mong quý cục tư vấn giải đáp theo quy định hải quan hiện hành thì chi nhánh phải đáp ứng những điều kiện cần và đủ gì về mặt giấy phép, thủ tục thì mới được đứng tên trên tờ khai xuất nhập khẩu hàng hoá.

 

Ngày gửi: 11/05/2021 – Trả lời: 13/05/2021

Tên doanh nghiệp: Maruwn Logistics Vietnam Co.,Ltd

Địa chỉ: Tầng 7, toà nhà Plaschem, số 562 Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thuỵ, quận Long Biên, Hà Nội – Email : khuongvu@maruwn.vn

Vướng mắc của Công ty, Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai có ý kiến trao đổi như sau:

           1) Về người khai hải quan:

           – Khoản 14 Điều 4 Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/06/2014 quy định “Người khai hải quan bao gồm: chủ hàng hóa; chủ phương tiện vận tải; người điều khiển phương tiện vận tải; đại lý làm thủ tục hải quan, người khác được chủ hàng hóa, chủ phương tiện vận tải ủy quyền thực hiện thủ tục hải quan”;

           – Điều 5 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3, Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP ngày 20/04/2018 quy định:

           “Người khai hải quan gồm:

           1. Chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Trường hợp chủ hàng hóa là thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam thì phải thực hiện thủ tục hải quan thông qua đại lý làm thủ tục hải quan.

           2. Chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh hoặc người được chủ phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh ủy quyền.

           3. Người được chủ hàng hóa ủy quyền trong trường hợp hàng hóa là quà biếu, quà tặng của cá nhân; hành lý gửi trước, gửi sau chuyến đi của người xuất cảnh, nhập cảnh.

           4. Người thực hiện dịch vụ quá cảnh hàng hóa.

           5. Đại lý làm thủ tục hải quan.

           6. Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế, dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế trừ trường hợp chủ hàng có yêu cầu khác”.

           Như vậy, Chi nhánh chỉ được đứng tên trên tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá khi Chi nhánh là “Chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu” và là pháp nhân. Trong trường hợp này, khi khai báo hải quan, Chi nhánh phải thực hiện đúng các quy định tại Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 39/2018/TT-BTC, trong đó cần lưu ý:

           + Điều 5. “Sử dụng chữ ký số trong thực hiện thủ tục hải quan điện tử”;

           + Khoản 2, Phụ lục 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC: “Chỉ tiêu thông tin khai báo đối với tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu và chứng từ kèm theo”, chú ý:

           ++ Mẫu số 01: Tờ khai điện tử nhập khẩu (Khi thực hiện đăng ký trước thông tin hàng hóa nhập khẩu). Chỉ tiêu 1.12 – Mã người nhập khẩu, 1.13 – Tên người nhập khẩu. (1.12 là mã số người nộp thuế, 1.13 là tên người nộp thuế ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký thuế do cơ quan thuế nội địa cấp cho DN theo quy định tại Thông tư 95/2016/TT-BTC ngày 28/06/2016 hướng dẫn về đăng ký thuế);

           ++ Mẫu số 02: Tờ khai điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu (Áp dụng cho trường hợp xuất khẩu). Đặc biệt chú ý chỉ tiêu 2.11 – Mã người xuất khẩu, chỉ tiêu 2.12 – Tên người xuất khẩu (2.11 là mã số người nộp thuế, 2.12 là tên người nộp thuế ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký thuế do cơ quan thuế nội địa cấp cho DN theo quy định tại Thông tư 95/2016/TT-BTC ngày 28/06/2016 hướng dẫn về đăng ký thuế).

           2) Về ủy quyền của Công ty cho Chi nhánh:

           Theo điều 84 Luật Dân sự thì chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân mà không phải là pháp nhân. Ngoài ra, theo khoản 1 điều 45 Luật Doanh nghiệp thì chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hay 01 phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo uỷ quyền. Ngành nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.

           Tuỳ thuộc điều lệ hoạt động và việc uỷ quyền cho chi nhánh mà công ty hay chi nhánh sẽ đứng tên, ký duyệt và sử dụng mộc dấu được cấp (nếu có) để khai báo, làm thủ tục khi nhập khẩu.

           Khi công ty uỷ quyền cho chi nhánh làm thủ tục thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính, tranh chấp phát sinh (nếu có) và chấp hành pháp luật về hải quan, chi nhánh công ty vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung hồ sơ hải quan, phân loại hàng hoá, áp mã, tính thuế… mà chi nhánh công ty được uỷ quyền. Mã số thuế ghi tờ khai hải quan là mã số thuế của công ty, dấu đóng trên tờ khai hải quan là dấu của chi nhánh nhưng phải ghi rõ là “Thừa uỷ quyền của giám đốc công ty“.

           3) Về thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa:

           DN phải thực hiện theo quy định của Luật thương mại và Luật quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Đề nghị công ty tham khảo nội dung quy định trên để thực hiện. Trường hợp phát sinh vướng mắc, đề nghị liên hệ trực tiếp với Chi cục Hải quan nơi dự kiến đăng ký tờ khai để được hướng dẫn cụ thể.

error: Content is protected !!