HÀNG NHẬP KHẨU VÀO VIỆT NAM CHƯA CÓ MÃ SỐ REX – HƯỚNG DẪN EVFTA

HÀNG NHẬP KHẨU VÀO VIỆT NAM CHƯA CÓ MÃ SỐ REX – HƯỚNG DẪN EVFTA

Câu hỏi: 23697:

Chúng tôi là công ty thương mại, có văn phòng tại Taiwan. Hiện khách hàng tại Việt Nam có đặt hàng giấy nướng bánh từ nhà máy Pháp thông qua công ty chúng tôi. Do chúng tôi là đại lý khu vực của nhà máy giấy này, do đó Hợp đồng mua bán, Invoice thanh toán và LC đều đứng tên công ty chúng tôi. Tuy nhiên, hàng hoá sẽ được xuất trực tiếp từ Pháp về Việt Nam, không qua trung chuyển hay đưa vào Đài Loan gia công, phân loại thêm rồi mới xuất khẩu. Dưới đây, xin có hai câu hỏi như sau: 1. Trong trường hợp trên, nếu nhà máy giấy tại Pháp chúng tôi làm đại lý đã đăng ký mã số REX, và mã số này nếu thể hiện trên Invoice đứng trên công ty chúng tôi đối với khách hàng, thì khách hàng của chúng tôi có được hưởng ưu đãi thuế theo hiệp định thương mại Việt Nam- Châu Âu (EVFTA)? 2. Hiện tại, nhà máy này chưa đăng ký mã số REX trên hệ thống của nước sở tại. Vậy Certificate of origin (C/O) lúc này còn có hiệu lực trên hệ thống Hải quan Việt Nam hay không? Khách hàng của chúng tôi có thể hưởng ưu đãi thuế theo hiệp định thương mại trên nếu cung cấp C/O được cung cấp từ nhà máy hay không?

 

Ngày gửi: 09/06/2021 – Trả lời: 10/06/2021

Tên doanh nghiệp: Fiber Pro International Co., LTD

Địa chỉ: Taiwan – Email : Roset@fiberpro.com.tw

Vướng mắc nêu trên, Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai có ý kiến trao đổi như sau:

Câu hỏi 1: Công ty thực hiện theo khoản 5 Điều 2 Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15 tháng 06 năm 2020 của Bộ Công thương Việt Nam “Quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và liên minh Châu Âu”:

5. “Nhà xuất khẩu” là cá nhân, tổ chức có trụ sở đặt tại Nước thành viên xuất khẩu, xuất khẩu hàng hóa sang Nước thành viên khác, có khả năng chứng minh được xuất xứ của hàng hóa. Nhà xuất khẩu có thể là nhà sản xuất hoặc người thực hiện thủ tục xuất khẩu. Nhà xuất khẩu không nhất thiết là người bán hàng mà phát hành hóa đơn cho lô hàng (hóa đơn bên thứ ba). Người bán hàng được phép đặt trụ sở tại lãnh thổ của nước không phải thành viên EVFTA”.

Câu hỏi 2: Công ty thực hiện theo các quy định sau:

(1) Thông tư số 11/2020/TT-BCT nêu trên:

Điều 19. Quy định chung về cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa

1. Hàng hóa có xuất xứ Liên minh châu Âu nhập khẩu vào Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA khi nộp một trong những chứng từ chứng nhận xuất xứ sau:     

a) C/O được phát hành theo quy định từ Điều 20 đến Điều 23 Thông tư này.

b) Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ theo quy định tại Điều 24 Thông tư này do nhà xuất khẩu đủ điều kiện theo quy định của Liên minh châu Âu phát hành đối với lô hàng có trị giá bất kỳ; hoặc nhà xuất khẩu bất kỳ phát hành đối với lô hàng không quá 6.000 EUR (sáu ngàn ơ-rô).

c) Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ phát hành bởi nhà xuất khẩu đăng ký tại cơ sở dữ liệu điện tử phù hợp quy định của Liên minh châu Âu và đã được thông báo với Việt Nam. Thông báo có thể gồm quy định Liên minh châu Âu ngừng áp dụng điểm a và điểm b khoản này”.

Điều 24. Quy định về tự chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa từ Liên minh châu Âu

1. Nhà xuất khẩu được phép tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa khi hàng hóa có xuất xứ từ Liên minh châu Âu và đáp ứng quy định khác của EVFTA.

2. Nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên hóa đơn, phiếu giao hàng hoặc chứng từ thương mại khác có đủ thông tin về hàng hóa, bằng cách đánh máy, đóng dấu hoặc in nội dung lời văn khai báo xuất xứ hàng hóa trên chứng từ. Nhà xuất khẩu sử dụng Mẫu lời văn khai báo xuất xứ bằng một trong các phiên bản ngôn ngữ được quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này và phù hợp với quy định pháp luật của Liên minh châu Âu. Trường hợp nhà xuất khẩu khai báo bằng cách viết tay, lời văn khai báo được viết bằng mực và chữ cái in hoa.

3. Thuật ngữ “chứng từ thương mại khác” nêu tại khoản 2 Điều này có thể là phiếu gửi hàng, hóa đơn chiếu lệ hoặc phiếu đóng gói. Chứng từ vận tải như vận tải đơn hoặc vận đơn hàng không không được coi là chứng từ thương mại khác.

4. Nội dung tự chứng nhận xuất xứ không được thực hiện trên một mẫu riêng biệt. Nội dung tự chứng nhận xuất xứ được phép thực hiện trên một trang khác của chứng từ thương mại với điều kiện nhận biết được trang đó là một phần của chứng từ thương mại.  

5. Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ phải có chữ ký viết tay của nhà xuất khẩu. Tuy nhiên, nhà xuất khẩu đủ điều kiện theo quy định Liên minh châu Âu được phép không ký tên với điều kiện nhà xuất khẩu cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền của Nước thành viên xuất khẩu văn bản cam kết rằng nhà xuất khẩu chịu trách nhiệm toàn bộ về chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

6. Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ có thể phát hành sau khi xuất khẩu hàng hóa với điều kiện được xuất trình tại Nước thành viên nhập khẩu không muộn hơn 2 năm hoặc theo quy định của Nước thành viên nhập khẩu kể từ khi hàng hóa được đưa vào lãnh thổ Nước thành viên nhập khẩu”.

(2) Công văn số 712 /TCHQ-GSQL ngày 05/02/2021 của Tổng cục Hải quan Việt Nam:

Về hiệu lực của khai báo tự chứng nhận xuất xứ được cấp trước ngày hiệu lực của mã số REX:

Tổng cục Hải quan Việt Nam đã ban hành công văn số 5575/TCHQ-GSQL ngày 21/8/2020 thông báo EU áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ theo hệ thống REX. Kể từ thời điểm được cấp mã số REX, nhà xuất khẩu EU được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho các lô hàng có trị giá trên 6000 Euro.

Theo đó, khai báo chứng nhận xuất xứ được phát hành trước ngày hiệu lực của mã số REX sẽ không được xem xét chấp nhận.

Đề nghị công ty tham khảo nội dung trên để thực hiện. Trường hợp phát sinh vướng mắc, đề nghị công ty trao đổi với người nhập khẩu VN để liên hệ trực tiếp Chi cục Hải quan nơi dự kiến đăng ký tờ khai để được hướng dẫn cụ thể.

Để tham khảo thêm công ty có thể truy cập vào website của Cục Hải quan Đồng Nai theo địa chỉ: www.dncustoms.gov.vn.

error: Content is protected !!