NGHỊ ĐỊNH 100/2014/NĐ-CP – QUY ĐỊNH VỀ KINH DOANH VÀ SỬ DỤNG SẢN PHẨM DINH DƯỠNG DÙNG CHO TRẺ NHỎ, BÌNH BÚ VÀ VÚ NGẬM NHÂN TẠO

CHÍNH PHỦ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 100/2014/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 06 tháng 11 năm 2014

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ KINH DOANH VÀ SỬ DỤNG SẢN PHẨM DINH DƯỠNG DÙNG CHO TRẺ NHỎ, BÌNH BÚ VÀ VÚ NGẬM NHÂN TẠO

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày 15 tháng 6 năm 2004;

Căn cứ Luật Quảng cáo ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế,

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông, quảng cáo; kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo; trách nhiệm trong kinh doanh, sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trên cơ sở khuyến khích và bảo vệ việc nuôi con bằng sữa mẹ – thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ là sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi được sản xuất theo phương thức công nghiệp, bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định, phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng theo từng giai đoạn phát triển hay tình trạng sinh lý đặc biệt của trẻ nhỏ.

2. Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi bao gồm:

a) Sản phẩm dinh dưỡng công thức có dạng lỏng hoặc dạng bột được chế biến từ sữa bò hoặc sữa động vật khác với các thành phần thích hợp có thể sử dụng thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi (infant formula);

b) Sản phẩm dinh dưỡng công thức có dạng lỏng hoặc dạng bột được chế biến từ sữa bò hoặc sữa động vật khác với các thành phần thích hợp hoặc có nguồn gốc động vật, thực vật để sử dụng trong giai đoạn ăn bổ sung dùng cho trẻ từ 06 đến 24 tháng tuổi (follow-up formula);

c) Sản phẩm dinh dưỡng công thức khác có dạng lỏng hoặc dạng bột được chế biến từ sữa bò hoặc sữa động vật khác với các thành phần thích hợp hoặc có nguồn gốc động vật, thực vật được trình bày hoặc giới thiệu là phù hợp dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, nhưng không bao gồm thức ăn bổ sung trong cơ cấu dinh dưỡng cho trẻ trên 06 tháng tuổi.

3. Sản phẩm dinh dưỡng bổ sung (viết tắt là thức ăn bổ sung) là thức ăn dạng sệt hoặc đặc có đủ 04 nhóm thành phần: Tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất được chế biến sẵn để ăn bổ sung thêm cùng với sữa mẹ hoặc sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi.

4. Trẻ nhỏ là trẻ từ khi sinh ra đến 24 tháng tuổi.

5. Nhãn sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của sản phẩm hoặc trên chất liệu khác được gắn trên sản phẩm, bao bì thương phẩm của sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ.

6. Tặng mẫu sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ là cung cấp miễn phí một lượng nhỏ sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ.

7. Cơ sở y tế bao gồm: Bệnh viện đa khoa có khoa nhi, khoa sản; bệnh viện chuyên khoa sản, nhi; nhà hộ sinh; phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa sản, nhi; phòng khám đa khoa khu vực; trạm y tế xã, phường, thị trấn; cơ sở nghiên cứu dinh dưỡng hoặc tư vấn dinh dưỡng cho trẻ nhỏ.

8. Thầy thuốc, nhân viên y tế bao gồm: Bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng viên, hộ sinh viên, nhân viên tư vấn dinh dưỡng hoặc chức danh chuyên môn khác, kể cả người lao động tình nguyện làm việc không hưởng lương tại các cơ sở y tế.

9. Nhân viên cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ bao gồm: Nhân viên hợp đồng hưởng lương hằng tháng, nhân viên bán hàng hưởng hoa hồng của doanh nghiệp, cộng tác viên, nhân viên thúc đẩy bán sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ.

Chương II

THÔNG TIN, GIÁO DỤC, TRUYỀN THÔNG VÀ QUẢNG CÁO

Điều 3. Thông tin, giáo dục, truyền thông về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ

Thông tin, giáo dục, truyền thông về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ và phương pháp nuôi dưỡng trẻ nhỏ phải được ưu tiên trong chương trình thông tin, giáo dục, truyền thông về bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em, về cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở trẻ nhỏ.

Điều 4. Tài liệu thông tin, giáo dục, truyền thông về nuôi dưỡng trẻ nhỏ

1. Nội dung tài liệu thông tin, giáo dục, truyền thông về nuôi dưỡng trẻ nhỏ phải rõ ràng, dễ đọc, dễ hiểu, bảo đảm tính khách quan, khoa học.

2. Tài liệu thông tin, giáo dục, truyền thông về nuôi dưỡng trẻ nhỏ phải bảo đảm nội dung sau đây:

a) Lợi ích và tính ưu việt của việc nuôi trẻ bằng sữa mẹ, khẳng định sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ; các yếu tố chống nhiễm khuẩn, đặc biệt là kháng thể chỉ có trong sữa mẹ có tác dụng giúp cho trẻ phòng, chống bệnh tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường hô hấp và một số bệnh nhiễm khuẩn khác;

b) Hướng dẫn nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 06 tháng tuổi và tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn, cho trẻ ăn thức ăn bổ sung đúng cách, hợp lý từ 07 tháng tuổi;

c) Bất lợi khi không nuôi trẻ bằng sữa mẹ mà thay vào đó là cho trẻ ăn sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ như: Không cung cấp được cho trẻ khả năng miễn dịch có trong sữa mẹ, tốn kém kinh tế, thời gian, trẻ có thể bị nhiễm khuẩn nếu pha chế không đúng cách và bất lợi khác;

d) Ảnh hưởng không tốt của việc cho trẻ bú bằng bình, ngậm vú ngậm nhân tạo hoặc ăn thức ăn bổ sung trước khi tròn 06 tháng tuổi;

đ) Hướng dẫn cách pha chế, bảo quản, lựa chọn và sử dụng thức ăn bổ sung cho trẻ tại nhà bằng phương pháp đơn giản, bảo đảm an toàn, dinh dưỡng hợp lý với các loại thực phẩm có sẵn;

e) Dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ để duy trì nguồn sữa cho con bú.

3. Cấm tài liệu thông tin, giáo dục, truyền thông về nuôi dưỡng trẻ nhỏ có nội dung sau đây:

a) Tranh ảnh, lời văn hoặc các hình thức khác nhằm khuyến khích việc cho trẻ ăn sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ, cho trẻ bú bằng bình hoặc không khuyến khích việc nuôi trẻ bằng sữa mẹ;

b) So sánh sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ là tương đương hoặc tốt hơn sữa mẹ;

c) Tên hoặc biểu tượng của sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ, bình bú, vú ngậm nhân tạo.

Điều 5. Tài liệu thông tin, giáo dục, truyền thông về sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ

Nội dung của tài liệu thông tin, giáo dục, truyền thông về sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ phải bảo đảm yêu cầu sau đây:

1. Hướng dẫn cách lựa chọn, sử dụng đúng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ;

2. Hướng dẫn cách rửa sạch và tiệt khuẩn dụng cụ dùng cho trẻ nhỏ ăn;

3. Hướng dẫn cách cho trẻ nhỏ ăn bằng cốc, thìa hợp vệ sinh;

4. Những cảnh báo có hại có thể xảy ra đối với sức khỏe của trẻ nhỏ nếu cho trẻ ngậm vú nhân tạo, bú bằng bình hoặc ăn bổ sung trước khi tròn 06 tháng tuổi;

5. Cung cấp thông tin về khả năng nhiễm khuẩn khi trẻ bú bình và khi sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ không được pha chế và cho ăn đúng cách;

6. Cảnh báo việc tốn kém khi nuôi trẻ nhỏ bằng sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ.

Điều 6. Quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ

1. Nghiêm cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi; thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo dưới mọi hình thức; sử dụng hình ảnh bào thai hoặc trẻ nhỏ trong quảng cáo sữa dùng cho phụ nữ mang thai.

2. Việc quảng cáo thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi phải bảo đảm yêu cầu sau đây:

a) Phần đầu của quảng cáo phải có nội dung: “Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ”;

b) Nội dung quảng cáo phải nêu rõ “Sản phẩm này là thức ăn bổ sung và được ăn thêm cùng với sữa mẹ dùng cho trẻ trên 06 tháng tuổi”; phù hợp với quy định tại Điều 4, Điều 5 Nghị định này và quy định khác của pháp luật về quảng cáo và an toàn thực phẩm.

3. Nội dung, điều kiện, thủ tục quảng cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về quảng cáo.

Chương III

KINH DOANH VÀ SỬ DỤNG SẢN PHẨM DINH DƯỠNG DÙNG CHO TRẺ NHỎ, BÌNH BÚ VÀ VÚ NGẬM NHÂN TẠO

Điều 7. Công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định về an toàn thực phẩm

1. Sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường phải được công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

2. Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm dinh dưỡng công thức dùng cho trẻ nhỏ.

Điều 8. Quy định nhãn sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ nhỏ

1. Nhãn sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ nhỏ phải bảo đảm yêu cầu sau đây:

a) Phải có chữ in hoa: “CHÚ Ý”, sau đó là chữ in thường về nội dung cần chú ý như sau: “Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Các yếu tố chống nhiễm khuẩn, đặc biệt là kháng thể chỉ có trong sữa mẹ có tác dụng giúp trẻ phòng, chống bệnh tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường hô hấp và một số bệnh nhiễm khuẩn khác”. Chiều cao của chữ không được dưới 2 mm. Màu sắc của chữ phải rõ ràng và có màu tương phản so với màu nền của nhãn;

b) Phải có chữ in thường: “Chỉ sử dụng sản phẩm này theo chỉ dẫn của bác sĩ. Pha chế theo đúng hướng dẫn. Cho trẻ ăn bằng cốc, thìa hợp vệ sinh”. Chiều cao của chữ không được dưới 1,5 mm;

c) Phải ghi rõ độ tuổi phù hợp của trẻ khi dùng sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ;

d) Nhãn của sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ không được có hình ảnh, tranh vẽ trẻ nhỏ, bà mẹ cho con bú, bình bú; không được sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh thể hiện sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ có chất lượng tương đương hoặc tốt hơn sữa mẹ hoặc khuyến khích trẻ bú bằng bình bú; không được giống hình ảnh nhãn sữa dành cho phụ nữ mang thai;

đ) Trên nhãn của sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ phải in số giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc số giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

2. Nội dung khác của nhãn sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa lưu thông trong nước, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, an toàn thực phẩm và phải bảo đảm yêu cầu sau đây:

a) Hướng dẫn đúng cách pha chế và các bảng biểu đơn giản, dễ hiểu bằng tiếng Việt;

b) Hướng dẫn vệ sinh dụng cụ pha chế;

c) Điều kiện bảo quản, hạn sử dụng trước và sau khi mở hộp.

Điều 9. Quy định nhãn thức ăn bổ sung dùng cho trẻ nhỏ

1. Nhãn thức ăn bổ sung dùng cho trẻ nhỏ phải bảo đảm yêu cầu sau đây:

a) Phải ghi rõ: “Sản phẩm này là thức ăn bổ sung và được ăn thêm cùng với sữa mẹ dùng cho trẻ trên 06 tháng tuổi”. Dòng chữ này phải ở mặt trước của sản phẩm, bằng chữ in hoa, chiều cao của chữ không được dưới 2 mm. Màu sắc của chữ phải rõ ràng và có màu tương phản so với màu nền của nhãn.

b) Phải có chữ in hoa: “CHÚ Ý”, sau đó là chữ in thường về nội dung cần chú ý như sau: “Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ”. Chiều cao của chữ không được dưới 2 mm;

c) Phải ghi rõ độ tuổi phù hợp của trẻ khi sử dụng sản phẩm;

d) Nhãn của sản phẩm không được có hình ảnh, tranh vẽ trẻ nhỏ, bà mẹ cho con bú, bình bú; không được sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh thể hiện sản phẩm có chất lượng tương đương hoặc tốt hơn sữa mẹ hoặc khuyến khích trẻ bú bằng bình bú;

đ) Trên nhãn của sản phẩm phải in số giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc số giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

2. Nội dung khác của nhãn thức ăn bổ sung dùng cho trẻ nhỏ phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa lưu thông trong nước, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và an toàn thực phẩm.

Điều 10. Quy định nhãn sản phẩm của bình bú và vú ngậm nhân tạo

1. Nhãn sản phẩm bình bú phải bảo đảm yêu cầu sau đây:

a) Phải có chữ in thường: “Thực hiện đúng hướng dẫn vệ sinh, tiệt khuẩn. Việc sử dụng bình bú có thể làm cho trẻ bỏ bú mẹ và có nguy cơ bị tiêu chảy”. Chiều cao không được dưới 2 mm. Màu sắc của chữ phải rõ ràng và có màu tương phản so với màu nền của nhãn;

b) Hướng dẫn đúng cách giữ vệ sinh và tiệt khuẩn;

c) Tên và địa chỉ chính xác của cơ sở sản xuất, cơ sở phân phối.

2. Bao gói hoặc nhãn dán vú ngậm nhân tạo phải có chữ in thường: “Sử dụng vú ngậm nhân tạo ảnh hưởng không tốt tới việc nuôi trẻ bằng sữa mẹ”. Chiều cao không được dưới 2 mm. Màu sắc của chữ phải rõ ràng và phải có màu tương phản so với màu nền của nhãn.

3. Nhãn sản phẩm của bình hú, vú ngậm nhân tạo không được có hình ảnh hoặc tranh vẽ có hình ảnh trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bà mẹ cho con bú, hình ảnh và ngôn ngữ thể hiện sản phẩm này tương tự như núm vú của người mẹ.

4. Nhãn sản phẩm của bình bú, vú ngậm nhân tạo quy định tại Khoản 1, 2 và 3 Điều này được áp dụng cho cả sản phẩm bình bú và vú ngậm nhân tạo sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM TRONG KINH DOANH VÀ SỬ DỤNG SẢN PHẨM DINH DƯỠNG DÙNG CHO TRẺ NHỎ

Điều 11. Trách nhiệm của cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ

1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm:

a) Bán sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm theo đúng quy chuẩn hoặc tiêu chuẩn đã công bố;

b) Cung cấp thông tin chính xác, khoa học và cách thức sử dụng đúng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ phù hợp với Điều 4, Điều 5 Nghị định này cho thầy thuốc, nhân viên y tế và người tiêu dùng.

2. Cơ sở sản xuất, kinh doanh không được:

a) Tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ không theo đúng quy chuẩn hoặc tiêu chuẩn đã công bố; sản phẩm đã hết hạn sử dụng; không có nhãn hoặc bao bì đóng gói;

b) Cử nhân viên tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với bà mẹ, phụ nữ mang thai hoặc thành viên trong gia đình họ tại cơ sở y tế hoặc bên ngoài cơ sở y tế với mục đích quảng cáo, tuyên truyền, khuyến khích sử dụng sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ;

c) Tổ chức trưng bày sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ, thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi tại cơ sở y tế; trưng bày tên, logo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ trên các biểu ngữ, áp phích và tài liệu quảng cáo khác trong các siêu thị, cửa hàng bán lẻ và cơ sở y tế;

d) Áp dụng các biện pháp khuyến mại đối với sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ như tặng hàng mẫu, tặng phiếu giảm giá, giải thưởng, quà tặng, tính điểm cộng thưởng, giảm giá hoặc bất kỳ hình thức nào khác;

đ) Sử dụng hình thức tài trợ học bổng, tài trợ nghiên cứu khoa học, tài trợ kinh phí cho đào tạo, hội nghị, hội thảo, khóa học, buổi hòa nhạc, tổ chức cuộc thi, diễn kịch, xây dựng phim, video clip, dịch vụ tư vấn qua điện thoại hoặc các hình thức khác nhằm tuyên truyền, giới thiệu, thúc đẩy việc kinh doanh hoặc sử dụng sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ;

e) Thực hiện hoặc hỗ trợ việc thông tin, giáo dục, truyền thông liên quan đến nuôi dưỡng trẻ nhỏ nhằm tuyên truyền, giới thiệu, thúc đẩy việc kinh doanh hoặc sử dụng sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ.

Điều 12. Trách nhiệm của cơ sở y tế

1. Cơ sở y tế có trách nhiệm:

a) Tổ chức thực hiện các biện pháp tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ cho phụ nữ mang thai, bà mẹ có con nhỏ và thành viên trong gia đình họ;

b) Tổ chức tuyên truyền, treo pano, áp phích hoặc cho đăng phát hình ảnh có nội dung quy định tại Điều 4, Điều 5 Nghị định này tại phòng khám thai, phòng chờ sinh, phòng sau sinh, phòng tư vấn dinh dưỡng hoặc những nơi dễ quan sát, tập trung đối tượng phụ nữ mang thai, bà mẹ có con nhỏ và thành viên gia đình họ;

c) Tạo điều kiện để bà mẹ cho con bú sớm trong vòng 01 giờ đầu sau sinh, bú mẹ hoàn toàn trong 06 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú mẹ kéo dài đến 24 tháng hoặc lâu hơn.

2. Cơ sở y tế không được:

a) Tổ chức bán hoặc cho phép bán sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ tại cơ sở y tế, trừ nhà thuốc bệnh viện;

b) Cho phép cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ trưng bày, niêm yết bất kỳ vật dụng, thiết bị nào có tên hoặc biểu tượng của sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ, bình bú, vú ngậm nhân tạo tại cơ sở y tế;

c) Cho phép nhân viên của cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ tiếp cận với bà mẹ có con nhỏ, phụ nữ mang thai dưới mọi hình thức;

d) Nhận sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ; lợi ích vật chất; vật dụng có tên hoặc biểu tượng của sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ do cơ sở sản xuất, kinh doanh tặng.

Điều 13. Trách nhiệm của thầy thuốc, nhân viên y tế trong các cơ sở y tế

1. Thầy thuốc, nhân viên y tế trong các cơ sở y tế có trách nhiệm:

a) Khuyến khích, hỗ trợ và bảo vệ việc nuôi con bằng sữa mẹ; hiểu và thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định này;

b) Thông tin cho bà mẹ có con nhỏ, phụ nữ mang thai về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ và cách thức thực hiện;

c) Giúp các bà mẹ cho con bú trong vòng một giờ đầu sau khi sinh;

d) Chỉ dẫn cho các bà mẹ cách cho con bú và duy trì nguồn sữa ngay cả khi họ phải xa con;

đ) Tư vấn cho bà mẹ và thành viên trong gia đình cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 06 tháng đầu;

e) Hướng dẫn, giúp đỡ bà mẹ ở gần con ngay sau khi sinh;

g) Khuyến khích bà mẹ cho con bú theo nhu cầu;

h) Hướng dẫn bà mẹ và thành viên trong gia đình không cho trẻ bú bình hoặc dùng vú ngậm nhân tạo;

i) Khuyến khích việc thành lập nhóm hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ và giới thiệu các bà mẹ tới đó khi các bà mẹ xuất viện;

k) Chỉ định trường hợp trẻ nhỏ phải dùng sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ.

2. Thầy thuốc, nhân viên y tế trong cơ sở y tế không được:

a) Hướng dẫn cho trẻ dưới 06 tháng tuổi sử dụng sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ, trừ trường hợp có chỉ định của bác sỹ;

b) Thông tin cho phụ nữ mang thai, bà mẹ có con nhỏ hoặc thành viên gia đình họ là cho trẻ ăn sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ có giá trị tương đương hoặc tốt hơn cho trẻ bú sữa mẹ;

c) Nhận trực tiếp hoặc gián tiếp sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ; lợi ích vật chất; vật dụng có tên hoặc biểu tượng của sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ;

d) Cho phép cơ sở sản xuất, kinh doanh tặng mẫu, tặng quà liên quan đến sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ;

đ) Cung cấp danh sách tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại liên hệ của bà mẹ có con nhỏ, phụ nữ mang thai cho nhân viên cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc cho phép nhân viên cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ tiếp cận với phụ nữ mang thai, bà mẹ có con nhỏ tại cơ sở y tế.

Điều 14. Trách nhiệm quản lý

1. Bộ Y tế, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý việc sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ; quản lý chất lượng, an toàn đối với sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo.

2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm quản lý thông tin, quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ theo quy định của pháp luật.

3. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội tổ chức việc tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo đối với phụ nữ mang thai, bà mẹ và thành viên trong gia đình họ.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Điều khoản thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2015.

2. Nghị định số 21/2006/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2006 của Chính phủ về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

3. Trường hợp sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ đang lưu thông trên thị trường thì được tiếp tục lưu thông theo hạn sử dụng ghi trên bao bì sản phẩm.

Điều 16. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức việc thi hành Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;

– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Tổng Bí thư;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
– Văn phòng Quốc hội;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
– Kiểm toán Nhà nước;
– Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
– Ngân hàng Chính sách xã hội;
– Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
– UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
– VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ cổng TTĐT các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
– Lưu: Văn thư, KGVX (3b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG

Nguyễn Tấn Dũng

error: Content is protected !!