Tham vấn giá hải quan là gì? Tại sao cần tham vấn? Những câu hỏi thường gặp đối với các Doanh nghiệp làm thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu.
Với hàng nhập khẩu, việc xác định trị giá hàng để tính thuế là việc quan trọng với cả chủ hàng (lo tiền thuế), và cơ quan hải quan (thu thuế).
Theo lẽ tự nhiên, chủ hàng thích nộp thuế ít để giảm giá thành. Do đó, trong nhiều trường hợp nhất là đối với những mặt hàng tiêu dùng có giá trị cao như sữa bột, camera, máy chiếu… người nhập khẩu tìm cách khai giá hàng thấp hơn thực tế. Cách thường thấy là “khai man”, tạo bộ chứng từ giả cho phù hợp với giá cần kê khai.
Ngược lại, phía cơ quan hải quan lại chịu áp lực thu thuế theo chỉ tiêu đã được giao. Vì vậy họ có “xu hướng” muốn thu thuế cao. Một cách vô tình hay hữu ý, việc xác định giá hàng cao sẽ được các bác ưu ái.
Hai động cơ xác định giá ngược nhau với cùng một lô hàng: chủ hàng muốn lấy giá thấp, còn hải quan muốn áp giá cao. Nếu không đạt được sự thống nhất, và người nhập khẩu không đồng ý mức giá cán bộ hải quan tiếp nhận đưa ra, hai bên sẽ dùng biện pháp tham vấn giá hải quan.
Thực chất, tham vấn là quá trình mà cả phía chủ hàng và hải quan đều đưa ra những thông tin, tài liệu làm bằng chứng để chứng minh rằng mức giá mà mình đưa ra là phù hợp.
Trong quá trình tham vấn giá, cán bộ hải quan sẽ yêu cầu bạn đưa ra các tài liệu chứng minh mức giá đã khai báo. Chẳng hạn: thư chào hàng (email cũng được chấp nhận) trong đó có phần chào giá, mặc cả, chốt giá; chứng từ thanh toán qua ngân hàng, tài liệu những lô hàng cùng loại đã nhập gần đây có cùng mức giá …
Tóm lại, bạn phải chứng minh và thuyết phục được rằng mức giá đưa ra là giá thực tế mà chủ hàng phải trả, và cũng không có quan hệ đặc biệt bà con thân thích gì giữa người mua và người bán.
Về phía hải quan, họ sẽ dùng danh mục quản lý rủi ro và cơ sở dữ liệu sẵn có, đưa ra giá tham khảo của những lô hàng giống hệt hoặc tương tự của những nhà nhập khẩu khác. Theo đó họ sẽ khéo léo “ép” chủ hàng theo mức cao này.
Về bản chất, buổi làm việc là quá trình tranh luận, vì bên nào cũng tìm cách bảo vệ chính kiến của mình. Nếu doanh nghiệp đầy đủ chứng cứ, và có lý lẽ thuyết phục, hải quan cũng sẽ phải chấp nhận giá đã khai báo ban đầu. Ngược lại, phía doanh nghiệp sẽ phải chịu mức giá hải quan áp đặt, hoặc mức nào đó nằm giữa khoảng đó.
Thực chất, chẳng chủ hàng nào thích bị tham vấn giá hàng nhập khẩu, vì chắc chắn sẽ vừa mất công, vừa mất chi phí. Nhưng nếu cần, họ cũng phải thực hiện, nếu muốn bảo vệ mức giá mình đưa ra.