NHỮNG LƯU Ý VỀ C/O FORM E ĐỐI VỚI HÀNG NHẬP KHẨU

NHỮNG LƯU Ý VỀ C/O FORM E ĐỐI VỚI HÀNG NHẬP KHẨU 

CO form E là Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu E, phát hành theo Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), xác nhận hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ từ nước thành viên của hiệp định này.

Hàng nhập khẩu về Việt Nam mà dùng CO mẫu E thường là có nguồn gốc Trung Quốc.

Mục đích của mẫu CO form E hợp lệ là để xác nhận xuất xứ của hàng hóa, từ đó mà xem lô hàng có được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt hay không (thường được giảm thuế). Cụ thể mức thuế nhập khẩu sẽ theo từng loại hàng cụ thể, căn cứ vào mã HS Code.

 

1. Nộp C/O form E bản gốc khi thông quan để được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt

Theo quy định hiện hành, để được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo hiệp định hàng hóa ASEAN – Trung Quốc, người nhập khẩu cần nộp C/O form E bản gốc, C/O này phải hợp lệ

Trong trường hợp hàng cần gấp, không thể chờ C/O form E, khi làm thủ tục hải quan Công ty cần khai trên tờ khai là nợ bản gốc và nộp thuế theo mức thuế MNF, sau đó làm thủ tục hoàn thuế khi có bản gốc (trong vòng 30 ngày)

 

2. Người đứng tên trên ô số 1

Đây là lỗi hay gặp nhất dẫn đến C/O form E bị bác

Tính huống: Do đặc thù tại Trung Quốc, trong nhiều trường hợp, người sản xuất tại Trung Quốc không có chức năng xuất khẩu, vì vậy họ thuê một đơn vị thương mại đứng ra xuất khẩu và xin C/O. Đơn vị thương mại đứng tên trên ô số 1; còn tên nhà sản xuất được thể hiện ở ô số 7

Quy định hiện hành về vấn đề này như sau:

Theo quy định tại công văn số 113/XNK-XXHH ngày 04/03/2014, điều 3: “Người đứng tên trên ô số 1: Các nước thống nhất người được ủy quyền xin C/O không được phép đứng tên là nhà xuất khẩu trên ô số 1 của C/O mẫu E. Tên của người xuất khẩu ghi trên ô số 1 phải trùng với tên ghi trên hóa đơn thương mại trừ trường hợp hóa đơn bên thứ ba.”

Công văn số 5467/TCHQ-GSQL ngày 16/09/2016 của Tổng cục Hải quan về việc vướng mắc cách ghi thông tin người uỷ quyền trên C/O mẫu E: “người đứng tên ô số 1 của C/O mẫu E là người xuất khẩu, đồng thời là tên người phát hành hoá đơn trừ trường hợp hoá đơn do bên thứ ba phát hành”

Như vậy, nếu trong trường hợp ô số 1 của Form E không phải là người xuất khẩu  thì ở trên Form E, ô “Third party invoicing” phải được đánh dấu.

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành của Trung Quốc (theo thực tế làm việc của chúng tôi trong thời gian vừa qua): cơ quan chức năng của Trung Quốc chỉ đánh dấu third party invoicing khi người xuất khẩu không phải công ty Trung Quốc.

Do đó, với tình huống đối tác bán hàng Trung Quốc không có chức năng xuất khẩu, không tự làm được C/O form E do đó đi thuê công ty khác làm như kể trên; Đơn vị thương mại đứng tên trên ô số 1 và tên nhà sản xuất thể hiện ở ô số 7 và C/O form E không được đánh dấu “Third party invoicing” thì C/O này về Việt Nam sẽ bị bác.

 

3. Trường hợp C/O mẫu E có nhiều mặt hàng, trong đó có mặt hàng không được hưởng ưu đãi

Điểm 3, điều 17, phụ lụ 2, Thông tư số 36/2010/TT-BCT ngày 15/11/2010 của Bộ Công Thương quy định: Trong trường hợp một C/O mẫu E có nhiều mặt hàng, việc vướng mắc đối với một mặt hàng sẽ không ảnh hưởng hoặc trì hoãn việc áp dụng thuế suất ưu đãi và thông quan hàng hóa đối với những mặt hàng còn lại trên C/O mẫu E. Điểm b khoản 1 Điều 18 có thể được áp dụng đối với những mặt hàng có vướng mắc.

Do đó, nếu trong lô hàng của bạn có nhiều mặt hàng trên C/O form E nhưng có mặt hàng không đủ điều kiện hưởng ưu đãi thuế thì không ảnh hưởng đến các mặt hàng khác

 

4. Chuyển tải và tính hợp lệ của C/O form E

Trong một số trường hợp hàng hóa không được chuyển trực tiếp từ Trung Quốc về Việt Nam mà chuyển tải qua một nước không nằm trong ACFTA, quy định việc chuyển tải này và việc hưởng ưu đãi thuế, xem link: Chuyển tải có là lý do bác C/O

Nộp bản gốc Form E khi làm tờ khai hải quan mới được hưởng ưu đãi thuế. Nếu tại thời điểm thông quan, không có Form E gốc thì tính thuế MNF và ghi chú trên tờ khai là hàng có Form E và xin nợ. Trong vòng 30 ngày, nộp bản gốc cho hải quan và làm thủ tục hoàn thuế

 

5. Trường hợp lô hàng có rất nhiều mặt hàng, khai gộp tên hàng và HS

Trong thực tế thương mại, nhiều trường hợp, trong một lô hàng có các mặt hàng nhập khẩu có cùng tên gọi, mã số HS và trên C/O mẫu E khai gộp chung về số lượng, trọng lượng, về vấn đề này ngày 23/10/2018, Cục Giám sát quản lý – Tổng cục hải quan có công văn số 3380/GSQL-GQ4 gửi một doanh nghiệp trả lời về vấn đề này như sau:

“việc các mặt hàng nhập khẩu có cùng tên gọi, mã số HS nhưng tại ô số 9 trên C/O mẫu E khai gộp chung về số lượng, trọng lượng của hàng hóa nhập khu là chưa phù hợp với quy định”

Tuy đây là văn bản dưới Luật và là công văn gửi cho một công ty cụ thể, tuy nhiên, các doanh nghiệp nên lưu ý để không mắc phải vấn đề này.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý: Theo quy định tại công văn số 2706/TCHQ-GSQL ngày 07/06/2011 của Tổng cục hải quan, V/v Hướng dẫn một số điểm của TT 36/2010/TT-BCT và triển khai kết quả cuộc họp ACTNC lần thứ 37, điểm 8: Trong trường hợp C/O mẫu E ban đầu không đủ chỗ để khai hết số lượng các mặt hàng cần khai thì người xuất khẩu sử dụng một C/O mẫu E khác để khai tiếp. Tuy nhiên, giới hạn số lượng mặt hàng trên mỗi C/O là 20 mặt hàng.

 

===========================================
Anh/chị cần tư vấn thuế nhập khẩu, thuế GTGT, hướng dẫn hồ sơ xin GPNK, hỗ trợ thủ tục nhập khẩu và vận chuyển air/sea hàng TTBYT, TPCN, mỹ phẩm vui lòng liên hệ em để được hỗ trợ.
Contact:
☎️ Mob: 0332.425.610 (zalo) – Ms Hiền
Mail: hienntt@airseaglobalgroup.com.vn
Add: AIRSEAGLOBAL – Phòng 2410, tòa Eurowindow, 27 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, HN
————————————————————————-
AIRSEAGLOBAL – SỐ 1 DỊCH VỤ NHẬP KHẨU THIẾT BỊ Y TẾ TẠI VIỆT NAM
1. Phân loại (Chuẩn vào thầu, có chứng chỉ hành nghề)
2. Công bố loại A
3. Công bố đủ điều kiện mua bán loại BCD
4. Lưu hành BCD
5. GPNK Thông tư 30
6. Thủ tục hải quan trọn gói
7. Vận chuyển quốc tế đường biển/ đường hàng không
8. Làm Công bố mỹ phẩm, thực phẩm chức năng nhập khẩu
9. Đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo TPCN

error: Content is protected !!